Muôn vẻ
Trước cái “ bật chợt mưa, bật chợt nắng” của trời Sài Gòn, người nào dễ tính nhất cũng nhiều lần phải chán chường. Rồi kẹt xe, tắc đường, ngập nước… công việc thì tất bật, ù cả đầu. Những lúc như thế, doanh nhân trẻ, nhân viên văn phòng, nhất là những tín đồ cà phê, thường tìm chốn đổ là những quán có không gian thoáng, tĩnh lặng, xanh ngát một màu cỏ cây để có những phút giây thảnh thơi và có thể tìm lại được hình ảnh mình thuở thiếu thời. Những ai cảm thấy tâm hồn mình ngày càng khô cứng, ngày càng dửng dưng cũng hay chọn một chiều mưa, đến quán và ngồi vào cái bàn ngóng ra mặt hồ, chắc chắn những hạt mưa sẽ làm lòng bạn mềm lại.
Sáng tinh mơ, vào cà phê Thủy Trúc ( Đinh Bộ Lĩnh, Q.Bình Thạnh) , chúng tôi như bỏ lại sau lưng sự oi bức của nắng, cái chật chội của Sài thành. Không gian sân vườn thoáng đản với vòm cây xanh um xòe tán trên đầu và tiếng chim hót líu lo trong trẻo, thi thoảng làn gió man mát từ đôi hồ trong quán khiến cho tâm hồn ta thư thái vô cùng. Chỉ cần nhắm mắt lại, đắm chìm theo tiếng nhạc du dương của thiên , hay mở mắt ra quan sát chú sóc tung tăng nhảy nhót trên những cành cây cổ thụ ở quán cà phê sân vườn trong dinh Độc Lập; Rồi một chiếc lá vàng đang rơi, một cử chỉ tình nghĩa khi cụ ông đưa chiếc khăn cho cụ bà lau giọt mồ hôi sau buổi tập thể dục nơi quán cà phê sân vườn thiên nhiên Tao Đàn, chúng ta chắc hẳn sẽ một lần có cơ hội nhìn rõ hơn gương mặt cuộc sống, thấy cuộc sống đẹp bởi những điều thật bình dị.
Nhiều quán cà phê sân vườn còn có cách trang trí theo phong cách cổ điển có khi là kiểu Pháp, có khi là kiểu đèn lồng Hội An hay kiểu mái rạ Bắc Bộ, ngồi thưởng thức nhạc tiền chiến, nhạc nhẹ hay nghe piano mà vẫn có thể tâm tình cùng bạn bè. Một lần đến với Cõi riêng ( Nguyễn Trọng Tuyển) có không gian rộng hay Lối về (Nguyễn Kiệm, P.9, Q. Phú Nhuận), chúng ta chắn hẳn sẽ bị mê hoặc bởi không gian rộng, hoa sen, hoa súng đua nở khắp lối. Không gian của Cõi riêng với màu xanh cỏ cây làm bạn thấy thư giãn, lọc bớt đi những ồn ào và lo toan đời thường.Có khi, bạn lại tìm được cho mình một góc rất riêng, như riêng tự ngàn xưa...
Quán Lối Về (Nguyễn Kiệm, P.9, Q. Phú Nhuận, Tp.HCM) còn lại khiến khách tình cờ hay hữu ý lạc bước vào sẽ một lần tìm thấy cả một khoảng không thiên nhiên trong lành, tươi mát với nhiều cây cối xanh tươi. Ấn tượng nhất là một bức tường núi đá dựng đứng nơi nước chảy từ trên cao xuống len qua những đám rong rêu, những cành lá nhỏ xanh non mọc từ các kẽ đá… “ Những mảng xanh quán này khiến mỗi lần đến đây tôi như trở về với bầu trời tuổi thơ nơi thôn giả yêu thương. Tới đây, tâm hồn tôi trở nên thanh thản, khỏe khắn sau những giờ làm việc căng thẳng”, Anh Tuấn, giám đốc trẻ của một công ty truyền thông chia sẻ.
Nếu ai yêu kiến trúc Huế hãy đến “Không gian xưa”, nơi đây có hẳn hai không gian nhà rường Huế (một ngay ở lối vào và một trên tầng gác) được mang công phu từ Huế vào, và thợ phục dựng cũng đến từ Huế. Ngồi trong khu nhà rường này, nhấm nháp cà phê, thoáng mát một chút gió Sài Gòn hiếm hoi, cảm nhận chút trầm mặc Huế len lỏi về, thấy như nhẹ đi cả một gánh đời!Những mái vòm, bức tường gạch ống của ngôi nhà bên trong cũng cho bạn một chút thanh tịnh. Gạch ống ở đây là loại gạch mua từ các ngôi nhà cũ, nên có những mảng đã rêu phong.
Người con xứ “ Đất… chưa mưa mà đã thấm, rượu hồng đào chưa uống đã say” Phạm Tam Hòa cũng là một doanh nhân trẻ lại thường cùng những người con xứ Quảng “ dề ( về) với quê nhà” ở quán Uyên Nguyên nằm trong hẻm 151 Nguyễn Văn Trỗi. Không chỉ có tiếng sang trọng, cà phề Uyên Nguyên cũng rất tĩnh lặng mang đậm nét văn hóa Việt cổ kính. Bạn không thể không bị mê hoặc bởi những nét trang trí đậm nét văn hóa Việt của phố cổ Hội An, từ những vật dụng như cây cột gỗ, mái ngói, khung cửa...đến những bức tranh, những chiếc trang kính đến những dàn đèn, bàn ghế bằng gỗ uốn theo kiểu cổ xưa, đều do chủ nhân mua từ 4 xác nhà và 10 mái ngói của nhà cổ ở tận Hội An đem về xây dựng, trang trí quán. Ở đây, còn có rất nhiều loại cây kiểng dân gian, bình dân được đem về trồng nơi đây như chuối kiểng, trúc, tre, các loại dây leo...
Nếu yêu núi rừng Tây Nguyên thì chúng ta hãy đến cà phê Pleiku với cách bài trí “rất chi là Tây Nguyên”, có cả cầu thang lên ngôi nhà sàn ngồi hóng mát, nhâm nhi vị đắng của ly cà phê Ban Mê giữa trời Sài Gòn. Đặc biết đến đây ta còn nghe được những bài hát bất hủ về đất người Tây nguyên của từ giọng hát khỏa khoắn, vang vang của những người con của núi rừng Tây nguyên như Siu Black, Y Moan, Y Vôn, Boner Trinh…Và rồi đất trời Tây Nguyên hoang dã đẹp tuyệt sẽ ập đến với mỗi người thôi mà!
Điểm hẹn
Điểm hẹn mà những đôi lứa yêu nhau thường lui tới là cà phê Kỳ Hòa ( Q.10). Quán này có không gian cực rộng, yên tĩnh và rất nên thơ nhờ cây cao xanh um, hồ nước trong xanh luôn phả luồng gió mát lạnh vào những góc riêng tư của họ. Đến Du Miên (tạm dịch là đi trong giấc ngủ, hoặc đi dài, đi mãi nằm trên đường Hồ Biểu Chánh - Phú Nhuận). Du Miên là sự kết hợp của nhiều phong cách: hiện đại, cổ điển, thiên nhiên... Du Miên có nhiều không gian gần gũi là điểm hẹn cho bạn bè, gia đình và cả những người bắt đầu hò hẹn nữa. Bạn có thể ghi được điểm vì đã đưa người yêu đến một quán vừa đẹp vừa lạ đấy. “ Nếu không muốn phải ngồi trong “hốc” của Du Miên, bạn phải nhanh chân đặt chỗ vì quán này thường được các khách VIP đặt chỗ trước”, Hoàng Chương, anh bạn trẻ của tôi cho hay.
Uống cà phê, đặc biệt là cà phê sân vườn ngày nay là cái mốt của người Sài Gòn. “ Đi cà phê bạn” ( mặc dù đến quán bạn không uống cà phê), nhưng họ vẫn đi, đến đó để tìm lại khoảng không gian xanh, nét yên bình của những vùng quên mà họ chỉ biết qua sách vở hay chỉ còn trong ký ức của nhiều người. Nhìn những giọt cá phê tí tách rơi , xung quanh là cây xanh, gió mát lòng của nhiều người ắt hẳn sẽ nhẹ tênh, vô lo mặc cho ngoài trời mưa to nắng gắt. “Giọt đắng cà phê – giọt đời”, hay “Nóng hổi ly cà phê - nồng nhiệt với cuộc đời”, “ tí tách cà phê – tích tắc đời người”… là những “triết lý” được đúc kết từ nhiều người khi đến với những quán cà phê cỏ cỏ cây hoa lá giăng khắp lối Tất nhiên, không thể khám phá hết muôn mặt cà phê sân vườn Sài Gòn. Bản hãy thử một lần đến với những quán này để mà cảm, mà tìm cho mình một cõi riêng, một lối về ngay trong nội thành Sài Gòn.
Cà phê Sài Gòn có muôn mặt, muôn điều để bàn. Mỗi chúng ta hãy một lần đến để thưởng thức giọt đắng cà phê ở mỗi quán để cảm nhận, khám phá nét độc đáo, là lạ, thú vị của cà phê Sài Gòn. Có người rủ nhau “đi uống cà phê” nhưng khi đến quán kêu thứ nước uống lại… không hề có chút cà phê nào, và ĐI UỐNG CÀ PHÊ đã trở thành “từ chung” là thế .Ai đó đi xa Sài Gòn cứ luôn thèm một ly cà phê...
Theo Sài Gòn Tiếp Thị bộ cũ